Đối với những đứa con đang phải học tập và làm việc nơi xứ người, cách xa cha mẹ ở quê nhà thì trong lòng lúc nào cũng tồn tại những nỗi nhớ da diết, để rồi nhìn bất kì cảnh vật gì quen thuộc cũng nhớ đến cha, đến mẹ, nhớ đến não lòng. Mà nhớ nhất có lẽ là bữa cơm gia đình đông đủ các thành viên, không khí tràn ngập mùi thơm của thức ăn và khuôn mặt ai nấy đều treo những nụ cười đầy ắp. Nhớ là nhớ những ngày mẹ đãi cả nhà bằng món bò kho, cha thì lên hiên nhà lui cui pha ấm trà rồi trầm ngâm chơi cờ tướng với chú hàng xóm, mẹ thì loay hoay chuẩn bị bếp núc, con cái quây quần phụ giúp luôn tay luôn chân.
- Đội cứu hộ bò kho – Trợ tá đắc lực dành cho bữa sáng của bé
- Bò kho – Món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt Nam mà những đôi chân ưa dịch chuyển cần phải thử
- Người Hàn Quốc có món gà hầm nhân sâm thì người Việt Nam có món bò kho

Mà ngày xưa, bữa cơm gia đình mà được ăn món bò kho thì quý hóa lắm, bởi những ngày đó, ai cũng coi trọng cái món bò kho – với sự thơm lừng lan tỏa từ món thịt ấy, thêm cái thứ nước dùng sóng sánh vàng óng ả ăn kèm với vài ổ bánh mì vàng rượm thì “chào mời” lòng dạ người ta lắm chứ chẳng đùa. Mà cái món bò kho ấy vậy mà cũng hay, bởi khi cha vẫn đang chơi cờ xì xà xì xầm với chú hàng xóm ngay phòng khách kia mà cái hương thơm của “hắn” được mẹ nấu từ phòng bếp ấy mà lan tỏa đầy ắp cả căn phòng, làm lòng người ta cũng háo hức hơn, thèm được “xử” cho bằng được cái mùi vị đứng cả chục mét cũng nghe được của bò kho.
Để có được món bò kho thơm lừng ai nấy đều mê mệt ấy, điều kỳ công nhất nằm ở cách chọn thịt cho thật ngon. Theo như lời mẹ vẫn hay tấm tắc bảo – mỗi khi đi chợ, mẹ hay dắt cái làn đựng đồ bằng một tay và tay còn lại thì dắt con đi – “Chọn thịt bò cho hợp với công thức nấu bò kho thì phải biết cách chọn sao cho đúng, mà đúng ở đây phải là thịt bò pha giữa nạm và gân bò. Bởi khi được hầm lâu thì thịt nạc bò mềm từng thớ ngọt miệng, thêm cả gân bò beo béo, cả hai thứ này mà kết hợp lại thì ngon tuyệt vời.”

Bố và chú hàng xóm vẫn đăm chiêu bên bàn cờ tướng mà pháo pháo xe xe, anh chấp tôi, rồi tôi chấp anh. Dưới bếp con thì ngồi phụ giúp mẹ chút đỉnh việc cỏn con đó là bào đi lớp vỏ xù xì của cà rốt, mẹ dặn cắt đi khúc đầu ( nơi vẫn còn mấy nhánh lá cá rốt xanh xanh) và khúc đuôi của cà rốt ( nơi vẫn còn dăm ba cọng rễ lì lợm bám dính), xong rồi cầm con dao bào mà bào đi lớp vỏ cà rốt. Lớp vỏ mong mỏng cũ mèm xấu xí được bào đi, chỉ còn lại quả cà rốt cam lè xinh ơi là xinh. Thế rồi đem những củ cà rốt mới bào xong đi rửa cới nước cho thật sạch. Con lại tiếp tục cắt thành những miếng vừa ăn theo chỉ dẫn của mẹ.
Trong lúc đó, mẹ lại “ôm” nhiều việc hơn. Thịt bò mua về vẫn được giữ nguyên tảng, mẹ lại đi rửa thịt bò với chút rượu, gừng được đập dập và muối, bóp đều bóp đều khử mùi, xong thì rửa thịt lại với nước. Cho một nồi nước sôi sẵn chờ, giờ đã đến lúc nó sôi ùng ục, mẹ cho tảng thịt bò bào và trần nó chỉ trong 5 phút gì đấy, rồi lại cho nó ra thau nước lạnh. Mẹ bảo là làm vậy thịt nó mới được ngon, công đoạn sơ chế ấy vậy mà quan trọng lắm, vì cái món bò kho thành phần quyết định ngon dở là miếng thịt bò chứ đâu, nên phải kĩ ở công đoạn này.

Con cũng tò mò sao không để người bán xắt thịt trước, mẹ chỉ mỉm cười nhẹ rồi mách nước, thật ra để người bán cắt cho cũng được, nhưng mà lúc nấu thịt nó lại không ngon như mình tưởng, vậy là mẹ lại tỉ mẩn cầm miếng thớt gỗ nặng ịch và con dao thái thịt bén ơi là bén ra để “mần” thịt. Nhưng mà trước khi xắt thịt, lúc nào mẹ cũng phải mài con dao thái thịt vào tảng đá xù xì để cho lưỡi của con dao nó bén ánh sắc lên. Rồi mẹ cho miếng thịt vào tấm thớt to, mẹ lia từng nhát dao ngọt lịm qua miếng thịt bò, cắt thành những miếng không to không nhỏ, chủ yếu là vừa ăn, mà còn phải có gân có nạc – vẫn theo lời mẹ dặn, “như vậy mới ngon!”.
Thế rồi cũng xong phần thịt, đến phần ướp thịt rồi. Mẹ cho nhiều gia vị vào thịt bò lắm, nào là muối, đường, ớt bột, bột tiêu, gừng, hành, sả,… như vậy mới cho thịt bò được đậm đà tròn vị. Mà thời gian nêm nếm nó đã lâu, vậy mà thời gian chờ nó được thấm cũng lâu nốt, phải hơn nửa tiếng cơ. Trong lúc đó, mẹ đến bên chỗ con ngồi, dạy con cắt tỉa cà rốt thành những bông hoa năm cánh xinh xinh, nhìn rất nghệ. Bố cũng tranh thủ xíu phút giây ông bạn bố xếp làn cờ mà vào cập nhật tình hình của mẹ con, bố bảo uống nước trà nãy giờ lạt miệng lắm, phải có bò kho của mẹ mới mặn mà lên thôi. Ôi trời!
Thế rồi mẹ bắt đầu luôn tay luôn chân với bếp núc để “mần” cho nhanh món bò kho đãi cả nhà. Lúc thì lửa to cháy bập bùng sáng rực rỡ cả căn bếp nhỏ, khi thì chỉ liêu xiêu ben bén liếm lấy đáy nồi thôi, thế nhưng cái làn khói mỏng tang từ chiếc vung nồi cứ bay lên hạ xuống. Còn cái hương thơm nồng nàn của món ăn cứ tham lam mà lấp đầy cả gian bếp, thơm ơi là thơm, còn nghe đầu nhà là tiếng bố cứ chậc lưỡi hoài, ông bạn hỏi sao thì bố chỉ nói lạt miệng.

Khi mà cái thứ nước ánh vàng trong nồi sôi ùng ục những chiếc bong bóng tí hon lên thì mẹ khé nhấc vung, nhón lấy một thìa nước dùng quyện sánh mà thổi hít hà rồi đưa cho con một miếng. Con vội vàng húp “soạt” một tiếng rõ vang rồi chóp chép miệng giơ ngón cái với mẹ. Mẹ mím môi cười rồi cũng thử một miếng. Ngon lắm đấy nhé, hương vị vấn vương cả đầu lưỡi!
Khi nồi nước dùng sền sệt sôi những quả bong bóng to, thịt bò và cà rốt cứ thay phiên nhau trồi lên lại hạ xuống báo hiệu món ăn sắp sẵn sàng rồi thì cũng là lúc cả nhà ai nấy đều đói đến xuýt xoa. Con nhanh nhảu dọn chén dọn bát ra bàn, mẹ bưng lên chiếc nồi bò kho ấm nồng, kèm với những khoanh bánh mì vàng giòn và đĩa rau thơm xanh mơn mởn. Thế là hôm ấy cả nhà chén sạch nồi, không khí trong nhà luôn rộn rã những tiếng nói cười.
Có những nỗi nhớ gia đình chỉ đơn sơ như vậy mà lại da diết lắm, thèm cảm giác được cùng cả nhà chăm chút từng bữa cơm từng câu chuyện, chỉ móng gác lại công việc bận rộn mà xà vào lòng mẹ thì thào “thèm bò kho”, thèm nghe tiếng mắng yêu của bố, thèm bữa cơm gia đình lắm ai ơi!