Những ngày thời tiết ẩm ương với mây đen kéo về, tiếp nối là tiếng mưa tí tách nhau chơi đùa trên mái hiên nhà,… Chợt thèm cảm giác ấm áp khi cùng cả nhà thưởng thức từng chiếc bánh xèo vàng ươm màu lửa hun lắm. Ăn vào nghe âm thành giòn rụm, khiến người ta phải siết vội cơ hàm để mong chờ nghiền ngẫm. Món bánh xèo với cách chế biến đơn giản. Hơn nữa chẳng tốn nhiều công sức mà vẫn mang lại cho người ăn cảm giác ngon miệng thích chí.
- Phở bò – Phở của Việt Nam!!!
- Một thoáng Sài Gòn – Một thoáng bò kho – món ăn đi cùng năm tháng xưa ấy!
- Ăn rong Sài Gòn cùng những món ăn truyền thống (P3)

1. Nguồn gốc của cái tên bánh xèo
Mà có ai đã từng thắc mắc vì sao có cái tên bánh xèo chưa nhỉ?
Bánh xèo được làm bằng bột gạo pha theo công thức chuẩn để tạo nên vỏ không dày không mỏng. Một số người thích bánh được tráng mỏng để tạo độ giòn. Nhưng cũng có một số người thích tráng dày để bánh hơi nhão theo khẩu vị riêng.
Vậy vì sao lại gọi là bánh xèo?
Đơn giản lắm, cái tên gắn liền với âm thanh khi chế biến bánh đó mà. Khi đổ bánh, người nấu sẽ thoa một lớp dầu mỏng vào khuôn. Dầu này có thể từ miếng mỡ heo hoặc là trực tiếp bằng dầu ăn. Lớp dầu nóng tiếp xúc với lớp bột được đổ cho tròn khuôn sẽ vang lên những âm thanh xèo xèo vui tai. Chính những âm thanh ấy làm người ta đặt ngay cho nó cái tên nghe thân thương mà bình dị là bánh xèo.
Chẳng biết tự bao giờ, mà vào những ngày trời mưa, người người nhà nhà đều cho rằng chính là lúc thích hợp nhất để thưởng thức bánh xèo. Âu cũng vì âm thanh lộp bộp của mưa chảy tràn trên mái hiên nhà, tưới mát lạnh những chiếc lá. Và làm không khí ẩm ướt, để lại cho người ta xíu cảm giác rợn người vì buốt giá làn da.
Lúc này cần nhất là được sum vầy cùng cả nhà thưởng thức món ăn gì đó thật ấm nồng. Và bánh xèo, với cách chế biến đơn giản, nguyên liệu dễ tìm thì còn gì trông đợi hơn khi được cùng cả nhà quây quần ăn cho nóng cho giòn.

2. Những phiên bản bánh xèo không phải ai cũng biết
Có nhiều nguồn thông tin về nguồn gốc của bánh xèo, có nơi cho rằng bánh xèo bắt nguồn từ người Khmer Nam Bộ. Có nơi lại cho rằng bánh xèo có xuất thân từ vùng đất Huế trữ tình. Mà lại có nơi cho rằng bánh xèo đầu tiên là phiên bản của Nhật Bản và Triều Tiên.
Nhưng mà dù là phiên bản nào đi nữa thì bánh xèo cũng lọt top bánh quốc dân Việt Nam ta! Bởi chính cái ngon đầy dân dã bình dị của nó mang đến cho người thưởng thức. Tùy vào đặc trưng mỗi vùng miền mà người ta sẽ làm nhân bánh bằng các nguyên liệu khác nhau. Nhưng đa số là tôm, thịt bò, thịt heo… Có nơi thêm vào nấm, giá, su hào để tăng thêm hương vị thơm ngon cho món bánh.

Bánh xèo của người Huế thường được gọi là bánh khoái
Bánh khoái thường được dọn ăn kèm với thịt nướng, rau thơm, nước chấm chua chua ngọt ngọt. Những chiếc bánh khoái được chiên cho vàng rụm đẹp mắt. Xuất phát từ công thức pha bột theo tỉ lệ hợp lý mà người nấu cân đo đong đếm. Hơn nữa còn có nước chấm được làm từ hơn 10 gia vị như tương đậu nành, đậu phộng, mè, gan, thịt heo, nước ruốc,… Chính từ những điều ấy đã tạo nên món bánh khoái trở thành món bánh chiên đặc trưng của người dân cố đô Huế.
Bánh xèo của miền Trung nói chung được đổ theo khuôn nhỏ, bánh bánh có kích cỡ nhỏ nhưng vỏ dày, nhân bánh đa dạng có thịt có rau.
Nhân thịt thường là thịt tôm, mực, thịt bò, thịt heo và các loại rau như giá đỗ, su hào thái mỏng, nấm.
Nước chấm ăn kèm với bánh xèo ở các tỉnh miền Trung sẽ khá đa dạng. Mắm đậu phộng được pha mằn mặn ngọt ngọt thêm với cái thơm của đậu phộng rang được đặp nhuyễn. Hay nước mắm chua chua ngọt ngọt từ cách giã tỏi ớt cùng với chanh. Hay nước mắm cá kho được nấu loãng từ cá ngừ, cá lồ ồ.
Và đặc biệt trên cả là mắm nêm – mắm xác cá! Có lẽ khá nhiều người sẽ không thưởng thức được món mắm này đâu. Âu cũng bởi chính mùi hương nồng nồng của nó. Đôi khi sẽ kích thích vị giác của một số người. Và đôi khi sẽ khiến người không ăn được cảm thấy khó chịu.
Bánh xèo miền Nam khá khác với miền Trung bởi kích cỡ lớn và được tráng khá mỏng, phần nhân sẽ vẫn là thịt cùng rau.
Ngoài thịt heo và tôm thì họ còn thêm vào thịt ếch, thịt vịt. Rau thêm vào bánh sẽ là đâụ xanh, giá đỗ, hay đôi khi là sắn, củ hũ dừa. Ăn sẽ thấy lạ miệng và ngon.

Rau ăn kèm với bánh xèo cũng rất đa dạng, thể hiện vùng đất Việt Nam với những điều kiện hài hoà cho cây cối phát triển. Người ta dùng nhiều loại rau dân dã như lá cải bẹ xanh, rau thơm, lá xoài non, đinh lăng, rau diếp cá,… Mỗi loại rau có những mùi vị khác nhau để tăng khẩu vị để ăn đỡ ngán.
Vào những ngày trời mưa, sẽ thật vui nếu được nghe âm vang xèo xèo bên chiếc lò nóng hôi hổi với những chiếc khuôn đầy đặn có những chiếc bánh xèo ngon miệng.